Phòng, chống dịch bệnh ngay từ ý thức, trách nhiệm người dân

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, 7 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận khoảng 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 10 trường hợp t.ử v.ong.

Thế nhưng chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, số người mắc đã tăng lên 200.000 với 50 trường hợp t.ử v.ong, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.

So với các nước, tỷ lệ mắc SXH của Việt Nam ở mức thấp, nhưng những con số tăng vọt trong thời gian ngắn khiến không ít người phải giật mình về sự nguy hiểm của dịch bệnh này đối với sức khỏe con người cũng như tác động, ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội.

Vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch SXH tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, như: Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Gia Lai, Đắc Lắc… Kết quả cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân khách quan về diễn biến bất lợi của thời tiết khiến nguồn lây bệnh gia tăng, thì chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan, như: Chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ngành y tế địa phương chưa kiên quyết, thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả; việc phòng, chống dịch bệnh vẫn theo kiểu “mùa vụ”, chưa thành nếp thường xuyên. Đặc biệt, nhiều người dân vẫn chủ quan trong phòng bệnh. Nhận thức về cách phòng, chống dịch bệnh còn lơ mơ. Cá biệt, có nơi người dân không hợp tác với ngành y tế để phun thuốc diệt muỗi, hay đóng cửa không cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra nguồn bệnh… Đây chính là “lỗ hổng” lớn làm dịch SXH nói riêng và các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác có cơ hội gia tăng.

phong chong dich benh ngay tu y thuc trach nhiem nguoi dan e5795c

Phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN.

Còn nhớ, năm 2016, dịch SXH và dịch bệnh do vi-rút Zika tăng mạnh ở nước ta. Để dập dịch, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika và SXH”, với lời kêu gọi chính quyền địa phương cùng người dân chủ động, tích cực tham gia vào chiến dịch diệt loăng quăng, muỗi gây bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Sau một thời gian triển khai, chiến dịch này đã diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, tạo thành phong trào “nhà nhà, người người diệt muỗi, loăng quăng” và phòng, chống dịch bệnh tích cực. Nhờ đó mà dịch bệnh được kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi, nhất là ở các tỉnh, thành phố trọng điểm về dịch bệnh SXH và vi-rút Zika lúc đó.

Hiện nay, dịch bệnh SXH tuy có dấu hiệu chững lại, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mặt khác, bệnh SXH vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa; cách phòng, chống dịch bệnh SXH hiệu quả nhất vẫn là ngăn chặn sự sinh sản của muỗi lây truyền bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế, cấp ủy, chính quyền các địa phương bên cạnh các giải pháp chuyên môn và hành chính đã và đang triển khai, cần nghiên cứu, tổ chức phát động toàn dân để huy động tổng lực trong ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh SXH. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất những chủ trương và giải pháp cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong nâng cao nhận thức cho người dân về tự phòng, chống dịch bệnh. Các nhà trường cần tăng cường phổ biến kiến thức khoa học thường thức liên quan đến phòng, chống dịch bệnh để mỗi học sinh, sinh viên đều hiểu biết, tự ý thức được việc phòng bệnh cho mình và gia đình. Ở các khu dân cư cần xây dựng quy chế, duy trì thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh, coi đó là một tiêu chí để đ.ánh giá khu dân cư văn hóa, an toàn; nghiêm túc gắn trách nhiệm của người dân với cuộc sống trong cộng đồng…

Bịt được lỗ hổng về nhận thức và trách nhiệm của người dân, chắc chắn chúng ta sẽ ngăn ngừa được dịch SXH và các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác từ sớm, từ xa, tránh gây hậu quả xấu cho gia đình, xã hội.

TIẾN ĐẠT

Theo QĐND

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/6 đến 23/6, thành phố ghi nhận thêm 110 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 33 ca so với tuần trước đó), nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết lên 658 người tính từ đầu năm.

ha noi so ca mac sot xuat huyet tiep tuc tang 3e7f8a

Ngành y tế đề nghị tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: TL

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 5, cả nước đã ghi nhận hơn 57.800 trường hợp mắc SXH, trong đó có 3 ca t.ử v.ong, số ca mắc cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018.

Riêng khu vực Hà Nội, hiện số ca mắc sốt xuất huyết rải rác tại 62 xã, phường, thị trấn của 21 quận, huyện, thị xã. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 658 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 589 trường hợp đã khỏi, chỉ còn 69 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp t.ử v.ong.

Một số đơn vị có số ca mắc cao, như: Quận Hà Đông ghi nhận 108 ca sốt xuất huyết, tiếp đến quận Bắc Từ Liêm là 82 ca, quận Cầu Giấy 66 ca, quận Đống Đa 59 ca, quận Nam Từ Liêm 55 ca…

Ngoài ra, trong tuần, ngành Y tế Thủ đô cũng đã tiến hành giám sát tại 15 điểm, trong đó 7/15 điểm có chỉ số lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh cao, như: Xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), phường Ngọc Hà và phường Thành Công (quận Ba Đình), phường Láng Thượng (quận Đống Đa), xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), xã Cát Quế (huyện Hoài Đức), phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy).

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo, do diễn biến và ảnh hưởng của thời tiết, bệnh SXH đang gia tăng và có thể diễn biến phức tạp nếu chúng ta không có các biện pháp quyết liệt để phòng chống.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể và đi tiêm chủng đầy đủ các vắc xin phòng bệnh theo quy định. Riêng với bệnh sốt xuất huyết, hiện số ca mắc lại tăng hơn so với các tuần trước đó. Nguyên nhân do thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Cùng với các hoạt động trên, Hà Nội tiếp tục duy trì thường trực đội chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và của các trung tâm y tế quận, huyện; duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch. Đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế các quận, huyện về công tác phòng chống bệnh SXH và các dịch bệnh khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.

Mỗi người dân cần chủ động phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt, kể cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi.

Thanh Lâm

Theo congluan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *